Đà Nẵng có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất VN
Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI năm 2008, Đà Nẵng chiếm ngôi vị quán quân, vượt qua Bình Dương, địa phương liên tiếp đứng đầu trong 3 năm trước. Thủ đô Hà Nội tụt 4 bậc, xuống thứ hạng 31.
Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay, 3 địa phương dẫn đầu về môi trường kinh doanh là Đà Nẵng, Bình Dương và Vĩnh Phúc. Đây là lần đầu tiên vị trí đứng đầu bảng xếp hạng không thuộc về Bình Dương, kể từ khi PCI được công bố năm 2005.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, và là trưởng nhóm thực hiện PCI, nhận định Đà Nẵng hấp dẫn các doanh nghiệp nhờ đã tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, có tính minh bạch cao hơn các địa phương khác, và có khâu đào tạo lao động tốt. Trong 11 tháng đầu năm, Đà Nẵng đứng thứ 16 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với gần 380 triệu USD vốn đăng ký.
Nhìn chung thứ hạng của các địa phương trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh không có nhiều thay đổi so với một năm trước, trong đó các địa phương nằm trong top 10 ngoài Đà Nẵng, Bình Dương và Vĩnh Phúc, lần lượt có Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Lào Cai, An Giang và Thừa Thiên - Huế. Điện Biên và Bắc Kạn chia nhau 2 vị trí chót bảng.
Lần đầu tiên Đà Nẵng trở thành địa phương có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất. Ảnh: H.L. |
Đáng chú ý là Hà Nội, sau năm 2007 cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đến nay lại tụt hạng, từ 27 xuống 31. Yếu tố kéo Hà Nội lùi bước chính là khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Do PCI được thực hiện từ giữa năm, trước khi Hà Tây (cũ) sáp nhập vào Hà Nội, nên bảng xếp hạng có 2 vị trí riêng cho 2 địa phương này, trong đó vùng "đất lụa" đứng thứ 55.
Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, điều dễ nhận thấy nhất về môi trường kinh doanh năm nay là điểm số của các địa phương có xu hướng giảm, theo hệ thống trên cả nước. Điểm PCI trung bình giảm 2,4 điểm so với năm trước, và số lượng các địa phương được xếp hạng có môi trường kinh doanh rất tốt và tốt giảm sút. Trong khi đó, nhiều địa phương lùi về các mức đánh giá thấp hơn. Năm nay môi trường kinh doanh cũng chứng kiến năng lực đào tạo lao động và chính sách phát triển kinh tế tư nhân tại các địa phương giảm mạnh.
Việc doanh nghiệp có đánh giá kém khả quan hơn những năm trước được giải thích là tình hình kinh tế vĩ mô biến động đã có ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Nhìn chung, việc điều hành kinh tế tại các địa phương trong năm nay không có cải thiện rõ nét, nhóm thực hiện PCI cho hay. Mặt khác, cũng do kỳ vọng của khối doanh nghiệp vào việc cải thiện năng lực điều hành kinh tế tại địa phương có xu hướng tăng lên.
Những vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp được đề cập trong các năm trước, tiếp tục xuất hiện trong phản ánh của họ. Gần 23% công ty được hỏi cho biết, họ dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính. Nhóm thực hiện PCI có một phát hiện thú vị là với cùng những thủ tục hành chính, mỗi tỉnh lại có cách hiểu và thực hiện khác nhau.
Các khoản chi không chính thức, được sử dụng như một loại phí "bôi trơn", chỉ giảm trên 2%, và liên tiếp được doanh nghiệp đề cập trong nghiên cứu 3 năm trở lại. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, các doanh nghiệp cho biết lao động và nguồn nhân lực tại tỉnh là một trong những khó khăn lớn nhất.
Dù mức điểm chung về môi trường kinh doanh năm nay giảm sút, một số điều kiện hoạt động của doanh nghiệp đã có cải thiện. Trong đó, thời gian đăng ký kinh doanh và gia nhập thị trường đã giảm xuống trên 12 ngày, so với 15 ngày trong năm 2007 và 20 ngày năm 2006. Khả năng tiếp cận thông tin và chính thức hóa quyền sử dụng đất, cũng như lĩnh vực thuế đã có nhiều cải thiện.
Bảng xếp hạng PCI cũng chỉ ra rằng, bí quyết của các địa phương tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp chính là sự năng động và sử dụng tốt các nguồn lực sẵn có. Theo đó, ngay cả khi địa phương có lợi thế về nguồn lực ban đầu và GDP bình quân đầu người cao hơn các nơi khác, nhưng thiếu sự điều hành, thì cũng không hấp dẫn được doanh nghiệp. Tỉnh tây bắc Lào Cai 2 năm gần đây đều đứng trong top 10 của bảng xếp hạng, nhưng những địa phương có hệ thống giao thông và điều kiện thuận lợi cho giao thương như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng lại nằm trong top từ dưới lên.
Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được VCCI và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) thực hiện hằng năm. Điều tra PCI năm nay thực hiện tại trên 7.800 doanh nghiệp, với các chỉ số gồm chính sách phát triển kinh tế tư nhân; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; đào tạo lao động; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; chi phí - thời gian; thiết chế pháp lý; ưu đãi doanh nghiệp; chi phí không chính thức; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; và chi phí gia nhập thị trường.
PCI xem xét độc lập chất lượng điều hành tại các địa phương, chứ không phải mức độ phát triển, nên so sánh được các tỉnh một cách bình đẳng. Từ khi được công bố lần đầu tiên năm 2005, bảng xếp hạng PCI thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và giới chuyên gia, và được coi là một chỉ số đánh giá quan trọng về môi trường kinh doanh tại các tỉnh.
0 Response to "Đà Nẵng có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất VN"